Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

August 27, 2018

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao và đặc biệt nguy hiểm đối với bà bầu và trẻ sơ sinh (95% trẻ sơ sinh mắc uốn ván bị tử vong). Do đó, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm bắt buộc và được Bộ Y Tế qui định. Vậy tiêm phòng uốn ván cho bà bầu ở đâu và tiêm phòng uốn ván khi mang thai vào thời điểm nào, chúng ta hãy cùng lắng nghe bác sĩ trả lời qua bài viết sau đây nhé.

 

Tại sao phải tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?

tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau-anh-1

Uốn ván do trực khuẩn Clostridium tetan gây ra. Clostridium tetan có mặt ở khắp mọi nơi và không bị tiêu diệt cả khi đun sôi trong thời gian dài. Uốn ván đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong khi mắc uốn ván rất cao có thể lên tới 90%, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong đến 95%. Clostridium tetan xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở ngoài da, do đó mẹ bầu có thể bị uốn ván trong quá trình chuyển dạ, qua đường sinh dục dẫn đến uốn ván tử cung. Bên cạnh đó, Clostridium tetan sẽ theo đường cắt dây rốn tấn công vào cơ thể trẻ sơ sinh, gây uốn ván rốn rất nguy hiểm cho trẻ.

Uốn ván cũng là mũi tiêm bắt buộc trong thời gian mang thai, là phương pháp chủ động, không tốn kém quá nhiều chi phí. Trên thế giới hiện nay có 2 dạng vắc-xin phòng ngừa uốn ván: vắc-xin ngừa uốn ván đơn thuần chỉ phòng ngừa 1 bệnh uốn ván, và vắc-xin kết hợp phòng ngừa cùng lúc 3 loại bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà.

Xem thêm : Tiền Sản Giật – Nguyên Nhân Và Điều Trị

Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ đều cần được tiêm phòng uốn ván. Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 5 mũi, trong đó tiêm phòng uốn ván cho bà bầu lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản. Lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu vào các khoảng thời gian sau:

Mũi thứ nhất: Tiêm khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ

Mũi thứ 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi 1 và tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng

Mũi thứ 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau

Mũi thứ 4: Ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau

Mũi thứ 5: Ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau

Nên tiêm nhắc lại mũi thứ 6 khi thời điểm tiêm mũi thứ 5 đã trên 10 năm.

 

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu khi nào?

tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau-anh-2

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu nếu trước đó chưa tiêm phòng uốn ván cần được tiêm phòng 2 mũi: mũi đầu tiên ngay khi biết tin có thai, mũi thứ 2 trước khi sinh ít nhất 30 ngày. Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, mũi tiêm đầu tiên thường được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kì) thay vì tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu thai kì). Nguyên nhân là do trong tam cá nguyệt thứ nhất thai nhi chưa ổn định, dễ sảy thai vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bị hiểu lầm do vắc-xin gây ra. Do đó, hầu hết các cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván cho bà bầu đều thực hiện mũi tiêm phòng uốn ván đầu tiên vào 3 tháng giữa thai kỳ và mũi thứ 2 được tiêm đúng như lý thuyết, tức là sau mũi đầu tiên ít nhất 30 ngày và trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Trường hợp mẹ bầu đã tiêm phòng 5 mũi uốn ván từ trước khi mang thai và mũi cuối cùng cách thời gian mang thai không quá 10 năm thì mẹ bầu không cần tiêm phòng lại, bởi cơ thể đã có thể miễn dịch 95% với trực khuẩn uốn ván, nhưng nếu thời gian tiêm quá 10 năm, mẹ bầu cần phải tiêm nhắc lại.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu ở đâu?

Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có thể thực hiện ở các địa điểm: trung tâm Y tế dự phòng/trạm Y tế các xã, phường, quận, huyện; các bệnh viện sản/bệnh viện đa khoa, các Trung tâm tiêm chủng. Các mẹ bầu nên lựa chọn các cơ sở uy tín, được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng để đảm bảo an toàn khi tiêm và chất lượng của vắc-xin. Trung bình giá vắc-xin tiêm phòng uốn ván dành cho bà bầu dao động từ 30.000-100.000 VNĐ/mũi.

Tóm lại, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm bắt buộc, vắc xin uốn ván cho bà bầu hiếm khi ảnh hưởng đến thai nhi, nếu so với rủi ro mắc uốn ván trong thai kỳ và uốn ván trẻ sơ sinh còn nguy hiểm hơn cho cả mẹ và bé. Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng đã mang đến cho mẹ những thông tin bổ ích, chúc các mẹ bầu có một thai kì khỏe mạnh.

Xem thêm : Mẹ Bầu Bị Tiêu Chảy, Phải Xử Lý Thế Nào?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TƯ VẤN SỨC KHỎE THAI KỲ