Trẻ ăn dặm khi nào là hợp lý
September 29, 2018Chế độ dinh dưỡng mà các mẹ cung cấp cho trẻ nhỏ có vai trò rất lớn trong quá trình trẻ sơ sinh phát triển thể chất. Để đảm bảo trẻ có thể phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện luôn luôn cần phải chú ý cân bằng các nhóm thực phẩm cho bé nhất là trong giai đoạn trẻ ăn dặm. Vậy, trẻ sơ sinh ăn dặm vào thời điểm nào là hợp lý, những lưu ý nào với mẹ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn những thông tin trên.
Thời điểm phù hợp cho trẻ sơ sinh ăn dặm.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ thay đổi khi trẻ phát triển lớn lên. Sẽ đến giai đoạn sữa mẹ không còn đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Giai đoạn này thường là khi trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên cũng tùy từng thể trạng và sự phát triển của mỗi trẻ mà phù hợp với định hướng cho ăn dặm sớm hoặc muộn. Theo các chuyên gia khuyến cáo thì thời gian cho trẻ ăn dặm nên là sau 6 tháng. Song khi mẹ thấy các dấu hiệu “muốn” ăn dặm của trẻ thì có thể linh động cho trẻ ăn dặm sớm trước hoặc sau thời gian 6 tháng. Thực tế có một số trường hợp nếu bạn cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ gây ra những hậu quả không mong đợi.
Những dấu hiệu thể hiện trẻ “muốn” ăn dặm:
- Trẻ khóc và đòi bú thêm sau khi bú no sữa.
- Trẻ không muốn đợi đến lần bú tiếp theo và trở nên cáu kỉnh.
- Trẻ tỉnh dậy giữa đêm đòi bú nhiều lần.
- Giấc ngủ ban ngày của trẻ cũng chập chờn không ngon giấc.
- Mỗi khi nhìn thấy thức ăn trẻ tỏ vẻ rất hứng khởi
Nên lưu ý rằng tuổi sớm nhất được khuyên cho trẻ sơ sinh ăn dặm là 17 tuần.
Những tác hại khi cho trẻ sơ sinh ăn dặm sớm.
Trên thực tế,vì nhiều lý do, không ít mẹ cho trẻ sơ sinh ăn bột sớm, thường từ 3 đến trước 4 tháng tuổi. Có người còn nghĩ rằng, ăn bột sớm sẽ khiến bé mau lớn hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, chỉ nên cho trẻ sơ sinh ăn dặm khi trẻ được 4-6 tháng tuổi. Bên cạnh đó, một số trẻ sinh non được khuyên nên cho ăn dặm muộn hơn.
Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) dù thức ăn là các loại thức ăn mềm như bột hay nước cơm… thì trẻ vẫn rất dễ có nguy cơ bị tiêu chảy, nôn trớ, thậm chí có thể đi ngoài phân sống. Vì từ khi chào đời, trẻ đã rất quen tiêu hóa sữa. Thức ăn trẻ ăn dặm là “thức ăn lạ” nếu chưa kịplàm quen để thích nghi thì hệ tiêu hóa còn nơn nớt của trẻ sẽ quá tải, gây rối loạn tiêu hóa.
Trẻ được cho ăn dặm quá sớm có thể bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do bột làm trẻ no bụng, làm giảm cảm giác thèm bú, dẫn tới làm giảm một lượng chất dinh dưỡng dồi dào có trong sữa mẹ. Trong khi đó, bột (thành phần lớn là tinh bột) không đủ để đáp ứng nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ như sữa mẹ. Ngoài ra, ăn nhiều bột còn làm loạn chuyển hóa – tăng đào thải canxi ra nước tiểu gây ra hiện tượng còi xương.
Đặc biệt với một số trẻ cơ địa dễ dị ứng, nếu trẻ được cho ăn dặm sớm còn làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ. Kèm theo với đó là đau bụng và tăng nguy cơ bị bệnh chàm.
Xem thêm : 4 Bí Kíp Cốt Lõi Khi Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật
Cho trẻ sơ sinh ăn dặm như thế nào là khoa học?
Để đảm bảo trẻ phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn nên tiếp tục bú sữa mẹ mỗi ngày ít nhất 3-4 lần kết hợp ăn khoảng 2 bữa bột cháo/ngày và tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày cho đến khi gần 1 tuổi. Các mẹ cần chú ý cho trẻ ăn dặm đúng cách, đó là bột/cháo nấu cùng với đủ 4 nhóm thực phẩm dưới đây:
- Nhóm cung cấp bột đường: sử dụng gạo tẻ mới, không cần trộn lẫn gạo nếp vì gây đặc khó ăn hoặc không nên trộn ý dĩ, đậu xanh, hạt sen có thể gây cảm giác khó ăn và cũng làm trẻ chậm tiêu. Với trẻ trên 1 tuổi, bạn hãy đa dạng thực đơn để tránh làm trẻ chán ăn, biếng ăn do ăn cháo quá lâu: có thể chế biến súp khoai tây cùng thịt bò xay, các loại ngũ cốc… để trẻ thích thú với bữa ăn.
- Nhóm cung cấp chất đạm: ví dụ như thịt nạc (lợn, gà) hoặc lòng đỏ trứng gà: là những thực phẩm rất giàu đạm lại còn dễ tiêu hay được khuyên dùng cho trẻ khi mới bắt đầu tập ăn dặm. Sau đó cho trẻ ăn đa dạng các loại thịt hơn: thịt bò, tôm,cá, cua (khi đến tháng tuổi thứ 7). Trên 1 tuổi có thể cho trẻ ăn cả quả trứng gà.
- Nhóm cung cấp chất béo: trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn…). Tỷ lệ tốt nhất cho 2 loại chất béo này là 1:1 nên xen kẽ các bữa mỡ và dầu. Nên ăn đa dạng các loại dầu thực vật (đậu nành, ôliu, dầu cá hồi, mè…). Chú ý, riêng đối với dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà nên ăn 1-2 lần/tuần để tránh thừa tiền vitamin A gây vàng da.
- Nhóm thức ăn cung cấp chất vitamin và chất xơ: rau xanh và củ quả. Đây là nhóm hầu như không cung cấp năng lượng do vậy không nên cho quá nhiều vào bột cháo của trẻ vì thấp năng lượng khẩu phần làm trẻ chậm tăng cân. Cụ thể: Với trẻ sơ sinh bắt đầu ăn dặm nên cho trẻ ăn 1 thìa rau, về sau này tăng đến 2-3 thìa rau/1 bát bột cháo. Trường hợp nếu trẻ nhà bạn bị táo bón có thể tăng thêm nhưng không nên tăng thêm quá nhiều. Còn với những trẻ bị thừa cân nên bổ sung nhiều thực phẩm nhóm này để hạn chế năng lượng.
Trên đây là những thông tin rất cần thiết mà các mẹ nên nắm rõ và ghi nhớ để có thể áp dụng một cách hợp lý vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh ăn dặm nhằm đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Hãy là một người mẹ nuôi dạy con một cách khoa học để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh.
Xem thêm: Chế Độ Ăn Cầu Vồng Cho Bé Yêu Phát Triển Toàn Diện