Trẻ sơ sinh bị đau bụng, mẹ phải làm gì?

August 27, 2018

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa bao giờ là một công việc đơn giản đối với các bậc cha mẹ. Đặc biệt công việc đấy còn vất vả hơn nhiều lần đối với trẻ sơ sinh vì trẻ sơ sinh còn chưa biết nói hoặc biểu hiện hết các trạng thái cho bố mẹ biết.  Những kiến thức về tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng – một trong những hiện tượng khá phổ biến gây ra nhiều khó chịu, mệt mỏi cho trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ tìm ra giải pháp phòng tránh và điều trị cho bé.

 

Biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị đau bụng

tre-so-sinh-bi-dau-bung-anh-1

Có thể thấy rằng, những biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị đau bụng thực sự khá khó để có thể nhận biết. Không những vậy, ta còn có thể bị nhầm lẫn biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị đau bụng với các biểu hiện của các bệnh khác. Khi trẻ sơ sinh bị đau bụng, trạng thái đầu tiên mà ta có thể quan sát được là bé thường hay quấy khóc. Tuy nhiên chỉ với biểu hiện này thì rất khó để các bà mẹ có con nhỏ có thể khẳng định được bé nhà mình đang bị đau bụng, do vậy, các mẹ nên chú ý quan sát thêm một số triệu chứng khác của trẻ như:

  • Trẻ thường khóc vào một thời điểm trong ngày và thường là vào chiều tối
  • Trẻ nằm co người, tay nắm chặt lấy một vật nào đó, bụng gò lên
  • Da tái nhợt, xanh xao
  • Một số trẻ còn có thể có thêm các biểu hiện như: không muốn bú sữa, đi ngoài bất thường…

Xem thêm : Trẻ Sơ Sinh Sốt Mẹ Nên Làm Gì?

Nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh bị đau bụng

Vì bản thân cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất non yếu và nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài, do vậy có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng. Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một số nguyên nhân thường hay gặp phải gây ra đau bụng ở trẻ:

  • Trẻ đau bụng do táo bón: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Bạn nên để ý, nếu khoảng cách giữa các lần đi đại tiện của trẻ là 1-3 ngày và phân của trẻ có đặc điểm cứng hoặc khô thì khả năng rất cao là trẻ của bạn đang bị đau bụng do táo bón.
  • Đau bụng do đầy hơi: Nguyên nhân dẫn đến đầy hơi là do sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột hoặc cũng có thể do sự hoạt động kém hiệu quả của bộ máy tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Chính do sự tích tụ hơi trong bụng là tác nhân gây ra các cơn đau bụng của trẻ.
  • Trẻ sơ sinh bị đau bụng do viêm dạ dày ruột: Dấu hiệu cơ bản của tình trạng này là bé nôn trớ kèm theo tiêu chảy. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh chỉ sau cảm lạnh do đó còn có cái tên gọi khác là cúm dạ dày.
  • Các loại bệnh thường gặp khác: Một số bệnh thông thường như cảm lạnh hoặc cảm cúm… có thể gây ra chất nhày theo đường cổ họng xuống dạ dày khiến dạ dày bị kích ứng từ đó gây ra các triệu chứng đau bụng cho trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng, bạn nên làm gì?

Khi trẻ sơ sinh bị đau bụng, trong cơn đau quặn bé thường khóc ré lên khiến cho các mẹ vô cùng luống cuống và lo lắng. Tuy nhiên, những lúc như vậy, bạn cần giữ bình tĩnh và thực hiện theo một số phương pháp sau đây để xoa dịu cơn đau cho trẻ.

  • Mátxa cho trẻ: Việc làm này có rất nhiều lợi ích cho trẻ, một trong số đó là lợi ích trong việc giảm triệu chứng đau bụng ở trẻ. Cụ thể, sau khoảng 30 phút sau khi bé ăn xong, bạn nên mátxa nhẹ nhàng bụng bé theo chiều kim đồng hồ. Việc mátxa như vậy sẽ làm cho các khí trong bụng bé được lưu thông, bé sẽ không gặp tình trạng đau bụng do đầy hơi nữa. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể kết hợp với việc mátxa chân, tay, lưng… cho bé để bé ngủ sâu giấc nâng cao sức khỏe của trẻ.

tre-so-sinh-bi-dau-bung-anh-2

  • An ủi, vỗ về bé: Việc được mẹ cưng nịu vỗ về sẽ làm cho trẻ sơ sinh cảm thấy được an toàn như cảm giác khi ở trong bụng mẹ. Chính cảm giác thoải mái về mặt tinh thần phần nào cũng sẽ làm trẻ quên bớt cơn đau.
  • Chườm một chai nước ấm hoặc khăn ấm lên bụng bé: Với phương pháp này, bạn cần chú ý đến nhiệt độ của chai nước hoặc chiếc khăn mà bạn sử dụng. Hãy đảm bảo nhiệ độ với da của trẻ để chắc chắn không gây ra những tổn hại khác trên da của trẻ.
  • Không nên tự ý cho bé uống thuốc: Bạn hãy nhớ rằng tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, nhiều bà mẹ do thiếu thông tin nên có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau hoặc các loại men tiêu hóa… để trẻ giảm bớt tình trạng quấy khóc, cải thiện tình trạng bộ máy tiêu hóa của trẻ. Tuy nhiên, do cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất non nớt và nhạy cảm do đó, hành động này là vô cùng nguy hiểm. Lời khuyên cho bạn là hãy hỏi ý kiến và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Đưa trẻ đến bệnh viện: Nếu như một số biện pháp xoa dịu cơn đau cho trẻ không có hiệu quả hoặc với các trường hợp trẻ bị nôn mửa, đi ngoài quá nhiều, da dẻ tái nhợt, sốt… thì bạn cần lập tức đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để trẻ được thăm khám và chăm sóc kịp thời, chu đáo.

Trẻ sơ sinh bị đau bụng không phải là một triệu chứng quá nguy hiểm đối với trẻ. Tuy nhiên nếu như không có phương thức xử lý một cách đúng đắn sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Hi vọng rằng, những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp các mẹ có con nhỏ biết cách dự đoán tình trạng sức khỏe cho trẻ và bình tĩnh trong việc xử lý các triệu chứng để có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.

Xem thêm :4 Bí Kíp Cốt Lõi Khi Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TƯ VẤN SỨC KHỎE THAI KỲ